Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Kiến Quốc - Huyện Ninh Giang

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Kiến Quốc

​ĐẤT VÀ NGƯỜI QUÊ HƯƠNG KIẾN QUỐC ANH HÙNG

Tổng quản về sự hình thành và phát triển của xã Kiến Quốc
1. Quá trình hình thành và thay đổi tên gọi trong lịch sử:
Vùng đất xã Kiến Quốc nói riêng, huyện Ninh Giang nói chung được hình thành cách ngày nay hàng vạn năm, do phù sa của hệ thống sông Hồng và sống Thái Bình bồi tụ. Ban đầu chỉ là vùng đất hoang sơ, cây cối rậm rạp, là nơi cư trú của chim thú. Nhưng đã sớm trở thành điểm dừng chân của những dòng người đang di cư, lập nghiệp trên đất Việt Nam. Xã Kiến Quốc ngày nay gồm 5 thôn: Cúc Bồ, Cúc Thị, Ngọc Chi, Lũng Quý và An Cúc. Trải qua những thăng trầm và biến cố của lịch sử, các làng - xã đã nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính. Trước cách mạng tháng Tám 1945, vùng đất này còn là 5 làng: Cúc Bồ, An Cúc, Cúc Thị, Ngọc Chi và Lũng Quý. Cuối năm 1945, Chính phủ cách mạng lâm thời có chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp xã (làng), tổng cũ để thành lập các xã mới. Thực hiện chủ trương của Chính phủ cách mạng lâm thời, sau ngày bầu cử Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (6-1-1946) và để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và xã; Đầu tháng 2-1946, Ủy ban cánh mạng lâm thời tỉnh Hải Dương quyết định hợp nhất 2 làng (xã): An Cúc, Ngọc Chi, Lũng Quý, Cúc Thi làm một xã, lấy tên là xã Tứ Mỹ, nhưng do những lý do khách quan nên việc hợp nhất không thực hiện được. Sau đó, tỉnh Hải Dương quyết định hợp nhất 2 làng Ngọc Chi và An Cúc thành một xã, lấy tên là xã Ngọc Cúc; làng Cúc Thị và Lũng Quý thành một xã, lấy tên là xã Tân Mỹ. Để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến và thực hiện quyết định của Ủy ban KC-HC tỉnh Hải Dương, tháng 3-1948 các xã: Tân Mỹ, Ngọc Cúc và Cúc Bồ hợp nhất với nhau thành 1 xã, lấy tên là xã Kiến Quốc. Xã Kiến Quốc gồm 5 thôn: Ngọc Chi, An Cúc, Lũng Quý, Cúc Thị và Cúc Bồ. Tháng 4 năm 1979, huyện Ninh Giang và huyện Thanh Miện hợp nhất thành huyện Ninh Thanh, xã Kiến Quốc thuộc huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng. Tháng 4/1996 huyện Ninh Thanh chia tách và tái lập huyện Ninh Giang và Thanh Miện, xã Kiến Quốc thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và tồn tại đến nay. Theo gia phả của một số dòng họ, bia ký ở các đình chùa còn lưu giữ được và theo thần phả, tương truyền thì lịch sử của 5 làng thuộc xã Kiến Quốc như sau:
+ Cúc và Bồ trước kia là hai làng hình thành khá sớm trong lịch sử. Theo gia phả của các dòng họ cho thấy, vào khoảng năm 756 cụ Khúc Hoàn đưa con cháu từ Trung Quốc sang vùng đất này khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Tiếp đó là các dòng họ ở các nơi khác cũng lần lượt về đây trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt tôm cá. Quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống, cư dân mỗi ngày thêm đông đúc, địa bàn mở rộng, hình thành lên các trại ấp, mà dấu tích xưa còn để lại với tên gọi "trại Mụ", "trại Mỹ"... Căn cứ vào kết quả khảo cứu dân tộc học, Cúc Bồ có tên nôm là làng Gọc. Tại đây có bến sông, nhân dân địa phương còn gọi là Gọc Bến. Trước đây, Cúc và Bồ thuộc đất Hồng Lộ; thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV) thuộc đất Hồng Châu, phủ Hạ Hồng. Đến đầu thế kỷ XIX thuộc tổng Bồ Dương huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
+ Cúc Thị: ngày xưa có tên nôm là làng Gọc, làng có chợ nên nhân dân địa phương thường gọi là làng Gọc chợ. Làng Gọc chợ (Cúc Thị) có miếu Vua Bà. Từ tên gọi (chung chữ Gọc) đã nói lên thời gian con người về Cúc Bồ và Cúc Thị sinh sống, lập làng xóm cùng thời và có mối quan hệ gắn bó lâu đời với nhau.
+ Ngọc Chi và An Cúc: xưa là 1 làng gọi là Ngọc Điều Trang (Trang Ngọc Điều), dân gian thường gọi là làng Dèo, cùng chung 1 ngôi đình
+ Làng Lũng Quý: còn gọi là làng Ngọn. Khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, có 1 số dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp, dựng lên trại ấp.
Xã Kiến Quốc ngày nay có các dòng họ: Bùi, Bùi Bá, Bùi Văn; Hoàng; Nguyễn Văn, Nguyễn Trọng, Nguyễn Đình, Nguyễn Hữu, Nguyễn Gia, Nguyễn Bá; Trần; Tăng; Đoàn; Phạm, Phạm Văn, Phạm Viết, Phạm Đăng; Phan; Đặng; Đinh Phúc; Trương; Lê; Tô, Tạ… Qua một số tư liệu lịch sử lưu giữ đến ngày nay, khẳng định: Vùng đất Kiến Quốc hình thành từ lâu đời, con người đến đây cư trú từ thế kỷ thứ VIII. Các dòng họ đã quần tụ bên nhau để lập nghiệp khai phá đất đai tạo nên đồng ruộng, làng xóm. Dưới thời phong kiến và cả thời kỳ Pháp thuộc các làng gọi là xã và là đơn vị hành chính độc lập. Trước cách mạng tháng Tám1945, làng Cúc Thị thuộc tổng Đà Phố; còn các làng: Cúc Bồ, Ngọc Chi, An Cúc và Lũng Quý thuộc tổng Bồ Dương. Cả 2 tổng Đà Phố và Bồ Dương đều thuộc huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
2. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.
Kiến Quốc là một trong những xã lớn của huyện, nằm ở phía Tây và cách trung tâm huyện khoảng 7km. Địa hình gần giống như ống tay áo xuôi theo hướng Bắc - Nam, còn chiều ngang từ Đông sang Tây rộng khoảng 1/3 chiều dài. Phía Bắc Kiến Quốc giáp xã Đông Xuyên; phía Nam là con sông Luộc, bên kia sông thuộc địa phận xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình; phía Tây giáp 2 xã Hồng Phúc và Tân Phong, phía Đông giáp xã Hồng Phong và Ninh Hải. Hiện nay xã Kiến Quốc gồm 5, thôn, với tổng diện tích tự nhiên là 559,75 ha. Trong đó đất nông nghiệp và 351,22ha, đất phi nông nghiệp 208,53ha, Về dân số: Trước năm 1945 cả 5 làng có 662 hộ, 4015 khẩu. Hiện nay toàn xã có 2.400 hộ, với 7.983 khẩu. Xã Kiến Quốc nằm bên sông Luộc, một phụ lưu của sông Hồng. Sông Luộc là đoạn nối sông Hồng với sông Thái Bình. Sông bắt nguồn từ cửa Luộc gần thị xã Hưng Yên chảy vào sông Thái Bình rồi ra biển. Sông khá rộng và sâu, tàu thuyền lớn có thể đi lại dễ dàng. Từ thế kỷ XIV, XV các thương gia Trung Hoa, Nhật Bản, Hà Lan... vào buôn bán với phố Hiến (Hưng Yên) đều qua bến Gọc (nay là bến Cúc Bồ) và bến Gọc trở thành khu buôn bán khá sầm uất, hình thành lên các cửa hiệu, cửa hàng, phố khách. Sau hòa bình 1954, nơi đây là bến Ca-nô xuôi xuống phía đông ra cảng Hải Phòng, sang đất mỏ Quảng Ninh; ngược về phía tây đi thị xã Hưng Yên đến thủ đô Hà Nội rồi theo sông Hồng đến tận Lào Cai. Đây cũng là đường thông thương với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định... Sông Luộc không chỉ là đường giao lưu kinh tế, buôn bán với nhiều tỉnh thành, mà còn là môi trường thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy sản, cung cấp nước ngọt, đất phù sa cho Kiến Quốc cũng như các xã ven sông. Là xã đồng bằng, Kiến Quốc có nhiều thuận lợi cho việc trồng trọt. Nhưng là vùng chiêm trũng, độ chua mặn cao. Đồng Ngọc Chi - An Cúc thường gọi là "đồng vịt mò", "chiêm khê mùa thối", hay xảy ra úng lụt, nhiều năm mất trắng. Ngược lại ruộng đất ở Cúc Bồ lại là ruộng bậc thang, trong đó có hơn 1/4 diện tích là chân ruộng cao thường xuyên không có nước để cày cấy, chủ yếu là trồng bông, nên gọi là khu đồng Bông. Còn khu đồng Gão cũng ngập lụt quanh năm, phần lớn chỉ cấy được vụ chiêm.
Về giao thông, trước đây xã không có đường lớn chỉ là những đường đất nhỏ lầy lội, đi lại khó khăn. Những năm gần đây do kinh tế phát triển, đường xá được mở rộng nâng cấp. Ngoài đường tỉnh lộ 396 (Đường trục Đông Tây), còn đường đê Sông Luộc đi các địa phương trong huyện, trong tỉnh và các đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nhìn chung, do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên xã Kiến Quốc có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.
3- Đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội
Người dân Kiến Quốc không chỉ cần cù lao động, mà còn kiên cường chống chọi với thiên tai. Bằng những công cụ thô sơ họ đã cùng nhau đào mương, khơi ngòi lấy nước và đắp đê ngăn lũ sông Luộc bảo vệ mùa màng. Là xã đồng bằng ven sông, Kiến Quốc có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, hầu hết nhân dân trong xã làm nghề nông, có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cây lúa nước. Ngoài cây lúa, nhân dân địa phương còn trồng rau mầu, trồng bông trên các chân ruộng cao, bãi bồi ven sông và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số người còn làm nghề chở đò qua sông, đan lát, đơm đăng chài lưới đánh bắt tôm cá... Tuy nhiên, đây là vùng đất trũng, nên gặp không ít khó khăn trong sản xuất, nhất là thiên tai. Ngày nay thực hiện chủ trương về dồn ô đổi thửa, các xứ đồng đã được quy hoạch lại thành những thửa ruộng lớn, nhiều diện tích trũng được chuyển đổi thành vườn ao chuồng, từ đó thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đã được áp dụng, 100% diện tích gieo cấy được làm bằng máy, trên 50% diện tích được cấy bằng máy cấy, năng xuất đạt trên 220kg/sào, nhiều mô hình gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt người dân thôn Cúc Bồ có nghề thợ mộc nổi tiếng về làm Đình, Chùa. Tương truyền tri phủ Bùi Đình Chiếu là người làng Cúc Bồ làm tri phủ Trấn Sơn Nam Hạ đã cho tìm thợ ở Nam Sang (Lý Nhân - Hà Nam) về dựng cho làng một ngôi đình. Công việc hoàn tất thì tình duyên nảy nở, có 2 anh em thợ họ Trần lấy vợ xin làm rể Cúc Bồ và trở thành người thợ làm đình đầu tiên của làng. Hai ông đã truyền dạy nghề cho thanh niên trong làng, từ đó Cúc Bồ có nhiều người tay nghề giỏi nổi tiếng về làm đình, chùa trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy mức sống của nhân dân trong làng tương đối cao so với mặt bằng nông thôn lúc bấy giờ. Từ lâu trong vùng đã lưu truyền câu ngạn ngữ: "Tiền làng Gọc, thóc làng Chuông" để nói lên sự giàu có của Cúc Bồ. Đối với Cúc Thị, từ lâu đã nổi tiếng về nghề làm bún bánh, giò, chả. Làng có chợ Gọc, là một trong những chợ lớn ở phủ Ninh Giang. Với vị trí thuận lợi nên nhân dân trong vùng và các thương nhân ngoài tỉnh đã về đây buôn bán tấp nập, hình thành các cửa hàng, cửa hiệu và cả phố khách của người Hoa. Khu vực chợ Gọc trở thành một trung tâm thương mại, cảnh quan đẹp, đông vui, buôn bán trên bến dưới thuyền đã được người đương thời ngợi ca. Ngày xưa chợ Gọc họp 1 tháng 6 phiên, hàng hóa rất phong phú: từ hàng nông sản, rau quả, tôm cá, quà bánh của địa phương đến lâm thổ sản trên rừng, gia súc, gia cầm, quần áo, dụng cụ sản xuất, hàng tiêu dùng... các nơi mang về. Ngày nay chợ Gọc họp 1 tháng 12 phiên và trở thành khu vực phát triển với các cơ sở sản xuất tiểu thủ công, cửa hàng buôn bán, các doanh nghiệp, bưu điện... Đây thực sự là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất của Kiến Quốc.
           Về giáo dục, tuy cuộc sống vô vàn khó khăn, vất vả nhưng người dân Kiến Quốc vẫn luôn lạc quan và có truyền thống hiếu học, đã không ít người gia cảnh bần hàn đã vượt khó vươn lên học hành, thi cử có bằng cấp. Vào thế kỷ XVIII có cụ Bùi Đình Chiếu đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng-Mậu Dần (1758), làm quan tới chức Phó sứ Hàn Lâm viện đồng Tri phủ trấn Sơn Nam. Ngoài ra còn hàng chục khóa sinh giỏi chữ đã mở lớp dạy chữ cho con em địa phương, như ông Tú Ngũ (Phạm Văn Ngũ), ông Tú Hoàn ở làng Ngọc Chi... Tuy nhiên, số người biết chữ cũng không nhiều, làng quê vẫn chìm trong nghèo đói và lạc hậu. Từ khi đất nước được độc lập, nhờ chính sách chăm lo giáo dục của Đảng, Nhà nước, truyền thống hiếu học mới được phát huy, hầu hết con em địa phương được cắp sách tới trường, nhiều người có học vị cao như: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Bùi Đình Bôn (Cúc Bồ), Tiến sĩ Nguyễn Văn Mợi thôn Lũng Quý. Hiện nay công tác giáo dục luôn được địa phương quan tâm và đạt được nhiều thành tích, số học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, học sinh giỏi các cấp ngày một tăng. Trường THCS được công nhận đạt chuẩn năm 2017, trường Mầm non 2018, trường Tiểu học đang hoàn thiện cơ sở vật chất để phấn đấu đạt chuẩn. Trạm y tế xã đạt chuẩn mức độ 2 năm 2016
            Tín ngưỡng và tôn giáo: Nhân dân Kiến Quốc từ xa xưa cho đến ngày nay có tục lệ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thờ thần, thờ phật, thờ những người có công với dân với nước. Xã Kiến Quốc trước có 5 ngôi chùa ở 5 làng: chùa Phúc Khánh (thôn Ngọc Chi); chùa Trại (thôn An Cúc); chùa Sùng Quang (thôn Lũng Quý), chùa Hồng Quang (thôn Cúc Thị) và chùa Kim Liên (thôn Cúc Bồ). Chùa được làm bằng chất liệu bền chắc như gỗ lim, gồm nhiều gian, khá hoành tráng với nhiều tượng phật, đồ thờ tự, trong một khuôn viên rộng rãi, nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát càng tôn vẻ trang nghiêm, linh thiêng cổ kính của ngôi chùa quê. Nhưng do thời gian và nhiều lý do, các ngôi chùa ở đây hầu hết bị phá dỡ hoặc hư hỏng nặng. Những năm gần đây chùa Sùng Quang (Lũng Quý), chùa Hồng Quang (Cúc Thị), chùa Kim Liên (Cúc Bồ) đã được Nhân dân đóng góp và khách thập phương công đức tiền của, xây dựng lại đảm bảo tôn nghiêm nơi thờ tự và sinh hoạt tâm linh của nhân dân. Tín ngưỡng thờ thần hoàng làng: Cũng giống như các thôn quê Việt Nam, 5 làng ở Kiến Quốc từ xa xưa đã xây dựng đình, miếu, đến để thờ thành hoàng làng là người có công với dân với nước, được các triều đại sắc phong thành hoàng. Đó là Đình chung của 2 làng Ngọc Chi - An Cúc thờ thành hoàng Hồng Tế Cự Lân là thiên thân có công giúp vua Lý Nhân Tông dẹp giặc. Đình làng Lũng Quý thờ tướng Đặng Huấn người có công giúp vua Lê diệt nhà Mạc; Đình Cúc Bồ thờ tướng Dương Quý Hiển là danh tướng thời Lý (một số tài liệu khác ghi là Đào Hiển; Dương Trinh Hiển). Đình làng Cúc Thị thờ thần Luân Công và Phương Nương. Còn miếu Cúc Bồ thờ Khúc Hạo. Đình Cúc Bồ là một Di tích lịch sử văn hóa lớn của địa phương. Nhưng tháng 1/1950 giặc Pháp đã cho phá dỡ đình, chùa và miếu lấy vật liệu dựng bốt. Ủy ban kháng chiến - hành chính xã đã lãnh đạo nhân dân địa phương bí mật chuyển toàn bộ ngôi miếu thờ Khúc Hạo đưa vào xóm Trung bảo quản. Năm 1989, được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa - Thông tin và Bảo tàng Hải Hưng, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển ngôi - miếu về dựng trên nền đình cũ trên cơ sở kế thừa kiến trúc cổ. Năm 1998, đình Cúc Bồ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Khảo cổ học tỉnh Hải Dương sau nhiều lần khai quật và tổ chức các buổi Hội thảo đã kết luận: Làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc chính là nơi sinh, nơi khởi nghiệp của người anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ. Để tri ân và nhằm tôn vinh công lao to lớn người anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, năm 2005 Nhà nước đầu tư kinh phí để tôn tạo, xây dựng đền thờ Khúc Thừa Dụ nằm giáp sông Luộc, mặt Đền quay theo hướng Nam; với tổng diện tích 57 nghìn m2. Đền thờ Khúc Thừa Dụ kiến trúc thời Lê, hình chữ Công (I) có ba hạng mục chính, gồm: 5 gian hậu cung, 5 gian tiền tế. Nối giữa hậu cung với tiền tế là 3 gian trung từ, mái đao, các góc đắp rộng, hiên 4 mặt rộng 3 mét. Trước cửa Đền có 3 lối đi, lên nhà thượng điện phải qua 9 bậc (cửu trùng). Hai bên là nhà tả vu, hữu vu, mỗi nhà 5 gian. Đền Khúc Thừa Dụ là một quần thể kiến trúc đẹp của địa phương cũng như của tỉnh. Sau 4 năm xây dựng, ngày 11/9/2009 (tức ngày 23 tháng 7 năm Kỷ Sửu) nhân ngày giỗ của ông, huyện Ninh Giang tổ chức trọng thể lễ khánh thành đền thờ Khúc Thừa Dụ. Nhìn chung đình, miếu ở 5 làng được xây dựng vào thế kỷ XVII, XVIII cách ngày nay vài ba trăm năm theo kiểu chữ "đinh" (T) có hậu cung, đình ngoài, giải vũ và sân đình, xây gạch, cột, kèo, dui, mè đều bằng gỗ lim. Trong đình được chạm khắc long, li, quy, phượng, chim muông, hoa lá... với đường nét hết sức tinh xảo, sinh động. Các đồ thờ tự như: ngai, long đình, đại tự, câu đối, xà mâu, bát biểu, cờ, lọng, tán, quạt ngự, kiệu bát cống... được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, uy nghi. Ngoài ra ở Kiến Quốc còn 1 văn chỉ, hàng chục nhà thờ họ cũng được xây dựng theo kiến trúc này, nhưng quy mô nhỏ hơn đình chùa. Các đình đền, chùa, miếu ở Kiến Quốc còn là các địa chỉ đỏ, căn cứ kháng chiến chống Pháp. Chùa Cúc Bồ là nơi tổ chức lễ thành lập chi bộ C2-tiền thân của Đảng bộ xã Kiến Quốc ngày nay. Miếu An Cúc là địa điểm tập kết đưa đón cán bộ về hoạt động bí mật tại căn cứ Ngọc Chi-An Cúc. Chùa Ngọc Chi là nơi tổ chức sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, chính quyền chí đạo kháng chiến. Đình Ngọc Chi-An Cúc, đình làng kháng chiến. Lũng Quý là nhà thương dã chiến trong những năm. Cũng do cuộc sống gắn bó với nghề nông, nhiều khó khăn vất vả nên người dân 5 làng luôn khát khao và yêu cuộc sống thanh bình, yêu tiếng hát đậm nét dân tộc, sắc thái quê hương. Trên địa bàn xã hiện nay có 03 di tích được xếp hạng, trong đó cấp quốc gia đó là Đền Khúc Thừa Dụ, Đình Cúc Bồ và chùa Ngọc Chi được xếp hạng di tích cấp tỉnh Song hành cùng với sự phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị của địa phương, thì phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao luôn là tốp đầu của huyện trong việc tham gia các phong trào. Nhất là đạt được nhiều thành tích thông qua các kỳ hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Qua đó đã thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia vào hoạt động. Có 5/5 làng đều được công nhận và duy trì đạt danh hiệu Làng văn hóa hàng năm Với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp trên, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ, đặc biệt là sự đoàn kết, chung sức đồng lòng trong việc xây dựng và phát triển xã nhà của toàn dân. Năm 2020 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục phát huy những thế mạnh, tiềm năng lịch sử để lại; thành tích trong những năm qua, với lợi thế về vị trí địa lý, sức mạnh đoàn kết toàn dân xã Kiến Quốc sớm đạt mục tiêu đạt xã nông thôn mới nâng cao, đô thị loại V vào năm 2030./.
        Nội dung trong bài có sử dụng tư liệu quyển lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Kiến Quốc (1930 – 2008)